Nguồn: baomoi.com
Sản xuất lúa gạo tại vùng ÐBSCL đang liên tục đạt thắng lợi về năng suất, sản lượng và giá bán sản phẩm được cải thiện nhờ sản xuất các loại lúa gạo thơm ngon, chất lượng cao. Song, do giá thành sản xuất lúa gạo tại nhiều địa phương còn cao nên người trồng lúa thu lợi nhuận thấp, chưa tương xứng. Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, đòi hỏi ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật để giảm giá thành và nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm.
Giá thành sản xuất lúa còn cao
Những năm qua, sản xuất lúa gạo tại ÐBSCL và cả nước nói chung đã đạt nhiều thắng lợi nhờ được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng sự nỗ lực của các địa phương thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo xuất khẩu. Các địa phương đã đẩy mạnh cơ giới hóa và tập trung chuyển giao, đưa các tiến bộ khoa học và giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất như: giải pháp “3 giảm, 3 tăng", “1 phải, 5 giảm”, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM và ICM, kỹ thuật tưới nước tiết kiệm cho lúa “ướt khô xen kẽ - nông lộ phơi” và giảm khối lượng hạt giống gieo sạ trên một đơn vị diện tích…
Hiện nay, phần lớn nông dân tại các địa phương vùng ÐBSCL chỉ sử dụng lượng giống để gieo sạ lúa ở mức 100-120kg/ha trở lại, giảm trên dưới 150kg/ha so với trước, giảm chi phí đầu tư về hạt giống. Việc chọn giống tốt và gieo sạ thưa cũng tạo không gian thuận lợi để cây lúa phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất và tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu. Ðiển hình là tỉnh Tiền Giang nhờ thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật đã mang lại hiệu quả cao. Với năng suất lúa vụ hè thu ước đạt 56 tạ/ha, tổng chi phí khoảng 20 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 22 triệu đồng ha, tăng khoảng 5 triệu đồng/ha so với vụ hè thu 2020.
Ðạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, song phải nhìn nhận rằng giá thành sản xuất lúa tại nhiều địa phương vẫn còn cao và có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Quá trình thực hiện giảm giá thành sản xuất lúa của nông dân tại ÐBSCL cũng đang gặp trở ngại, nhất là khi giá nhiều loại vật tư nông nghiệp tăng cao và nông dân còn gặp khó về nguồn vốn để đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất.
Vụ lúa hè thu 2021, các tỉnh, thành vùng ÐBSCL xuống giống gieo trồng 1,515 triệu héc-ta, giảm 9.000ha so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Tài chính, vụ hè thu 2021 tại 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL có giá thành tạm tính ở mức bình quân 3.728 đồng/kg lúa, tăng khoảng 4% (tương đương 143 đồng/kg) so với vụ hè thu 2020. Giá tăng chủ yếu do giá phân bón và các loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng. So sánh giữa các địa phương cho thấy, tỉnh Tiền Giang có giá thành sản xuất lúa vụ hè thu 2021 thấp nhất, với 3.076 đồng/kg, kế đến là Cần Thơ 3.292 đồng/kg, Ðồng Tháp 3.305 đồng/kg, Hậu Giang 3.326 đồng/kg, Sóc Trăng 3.347 đồng/kg, Long An 3.530 đồng/kg, Kiên Giang 3.692 đồng/kg, Cà Mau 3.713 đồng/kg, Bạc Liêu 3.866 đồng/kg, Vĩnh Long 3,884 đồng/kg, An Giang 4.197 đồng/kg, Trà Vinh 4.501 đồng/kg và Bến Tre 4.738 đồng/kg.
Cần các giải pháp
Tỷ lệ cơ giới hóa trong nhiều khâu và trong quá trình sản xuất lúa tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL còn hạn chế, được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho giá thành sản xuất lúa còn cao. Bên cạnh đó, nông dân còn giữ tập quán gieo sạ dày, sử dụng lượng giống quá mức cần thiết, cũng như sử dụng nước tưới, phân bón… chưa thật sự tiết kiệm và hiệu quả. Ngoài ra, nông dân còn phải mua phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào giá cao hơn rất nhiều lần so với giá công bố của các doanh nghiệp sản xuất do phải mua hàng qua nhiều khâu trung gian. Ðây là vấn đề ngành chức năng cần hỗ trợ nông dân tháo gỡ kịp thời.
Ðánh giá về tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa tại ÐBSCL, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết: “Về làm đất đã thực hiện cơ giới hóa hầu như 100% trên tổng diện tích sản xuất lúa. Tuy nhiên, gieo sạ bằng các thiết bị máy móc và công cụ sạ hàng mới chiếm khoảng 30% và khâu cấy bằng máy ước chừng dưới 1%. Thu hoạch bằng máy khoảng 90%, còn sấy lúa mới khoảng 30%... Việc cơ giới hóa tại nhiều khâu sản xuất còn hạn chế và chậm đầu tư mở rộng trong quy trình sản xuất đã làm cho giá thành sản xuất lúa còn cao”. Qua khảo sát, tính toán về giá thành sản xuất lúa trong một số vụ lúa gần đây tại một tỉnh thuộc khu vực phù sa ngọt ở ÐBSCL của Cục Trồng trọt cho thấy, chi phí làm đất chiếm 8%, giống 9%, phân bón chiếm 22% và thuốc bảo vệ thực vật chiếm 16%, chi phí thu hoạch 11% và chi phí lao động chiếm 28% trong tổng chi phí. Như vậy, các chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lao động đã chiếm tổng cộng tới 66% trong tổng chi phí. Do vậy, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa để thay cho lao động chân tay nhằm giảm chi phí và bố trí, sử dụng hợp lý các loại vật tư nông nghiệp đầu vào là rất quan trọng nhằm kéo giảm giá thành sản xuất lúa.
Theo nhiều chuyên gia, trong điều kiện diện tích sản xuất lúa có xu hướng giảm và năng suất lúa hầu như “đội trần” khó tăng thêm, chúng ta không nên đi theo “con đường” tăng năng suất và sản lượng lúa mà cần chú trọng giảm giá thành. Ngoài ra, cần gia tăng giá trị bằng cách tăng cường mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm để sản phẩm đạt các tiêu chuẩn và chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Quan tâm khai thác các phụ phẩm và đầu tư chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ lúa gạo.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, chi phí sản xuất lúa tại ĐBSCL giữa tỉnh này với tỉnh kia chênh lệch tới 1.000 đồng/kg lúa. Cục Trồng trọt cần phối hợp các địa phương phân tích, đánh giá xem tại sao giữa các địa phương gần kề nhau mà chi phí sản xuất lại chênh lệch lớn như vậy. 1.000 đồng đó chính là lợi nhuận tăng thêm nếu chúng ta giảm giá thành sản xuất xuống. Cần phân tích, đối chiếu, tìm hiểu rõ nguyên nhân về sự chênh lệch giá thành sản xuất giữa các địa phương để có giải pháp kéo giảm. Đồng thời xác lập các mô hình sản xuất phù hợp nhằm sản xuất có chi phí thấp, chất lượng cao để phát triển bền vững...
Tin mới
- Delifarm - Top 50 Thương hiệu uy tín hàng đầu Châu Á08/31/2022 / By Delifarm
- Gạo Ông Táo nay đã lên kệ hệ thống LANCHI MART08/04/2022 / By Delifarm